Book | Xứ Tuyết

Cảm giác đầu tiên khi đọc xong những dòng cuối của Xứ tuyết là ngay lập tức muốn đọc lại từ đầu. Nhưng tôi tự ngăn mình lại. Tôi muốn có thời gian để ngấm hết những cảm xúc đang dâng tràn trong tim, có không gian để lùi lại và một khoảng lặng để nghiền ngẫm. Cuốn tiểu thuyết này tôi biết mình sẽ còn đọc đi đọc lại hàng chục, hàng trăm lần khác nữa, bởi nó xứng đáng được thưởng thức ở mọi thời điểm, mọi không gian, sự tinh tế kỳ diệu của cảm xúc, sự phong nhã điêu luyện của câu chữ, sự rung động đến tột cùng của con tim. Kawabata vẫn là Kawabata, Xứ tuyết vẫn sẽ luôn là một kiệt tác.

Xứ tuyết được thai nghén 13 năm, thuộc thể loại tiểu thuyết ngắn, cốt chuyện đơn giản, câu văn gọn gàng, hoàn toàn khác biệt với sự rườm rà của những thiên trường tiểu thuyết cả nghìn trang. Nhưng tinh túy của nó nằm ẩn sâu giữa, và dưới, những dòng chữ tưởng chừng có phần lãng đãng và hững hờ ấy. Bao trùm lên toàn bộ tác phẩm là câu chuyện về “nỗi buồn và vẻ đẹp”(*). Đẹp đẽ đến nao lòng. Những rung động thanh khiết trong lòng người hòa với sự mềm dịu nhưng dữ dội của thiên nhiên. Sự tương giao hài hòa của nội tâm và ngoại cảnh dưới cái nhìn duy mĩ của Shimamura càng làm cho vẻ đẹp xuyên suốt trở nên nổi bật. Bản dịch của Lam Anh dịch trực tiếp từ nguyên tác tiếng Nhật nên câu văn súc tích, ngắn gọn và có lẽ sát với văn phong của Kawabata hơn, nhưng điều kỳ lạ là nó không khiến cho dòng chảy xúc cảm bị gián đoạn mà ngược lại, các con chữ xâu chuỗi với nhau như hạt ngọc trên dây, mượt mà và duyên dáng. Trong Xứ tuyết, thi – ca – nhạc – họa hòa lẫn với nhau nhuần nhuyễn. Kawabata đã vẽ tranh bằng chữ, và làm thơ bằng lời ca. Nhạc và thơ lẩn khuất trong từng chi tiết nhỏ nhặt, quấn quýt hòa quyện như cách Komako chơi đàn, cách Yoko thì thầm khẽ hát khúc đồng giao như một đứa trẻ, như cách dải Ngân hà gầm thét chảy vào lòng Shimamura.

Một điều đặc biệt khác khiến tôi kinh ngạc đó là khả năng thấu hiểu cảm xúc và tâm lý nhân vật của Kawabata. Nhiều đoạn miêu tả tâm lý và hành vi của Komako chi tiết và chính xác tới mức không thể không thán phục. Có những điều không chỉ cố công quan sát là thấy được mà hơn hết phải có một trái tim nhạy cảm, tinh tế và yêu thương con người tới thế nào mới nhận ra và đồng cảm một cách mãnh liệt với những chuyển biến nội tâm phức tạp lẫn biểu hiện vừa ngây thơ đáng yêu, vừa buồn bã đến đáng thương của cô geisha 19 tuổi nằm giữa ranh giới đàn bà và trẻ con, và miêu tả chúng bằng sự nhã nhặn và điềm đạm, cô đọng và tiết chế. Và cũng như Komako, Xứ tuyết tràn ngập những điều tưởng như trái ngược nhưng thực chất đều liên quan và gắn bó chặt chẽ với nhau. Thủ pháp đối lập được sử dụng hết sức tinh vi, cái nọ nẩy cái kia, vừa làm nền vừa tôn nhau lên vừa cạnh tranh gay gắt, dẫu là cái lạnh lẽo của xứ tuyết đối với ngọn lửa rực rỡ ma mị trong ánh mắt của Yoko, là hình ảnh dòng thác sao đổ ập từ trên xuống hòa với đám cháy đang bùng lên vươn tới trời cao, hay là sự nồng nhiệt khát khao yêu thương đầy dâng hiến của Komako đối với sự lãnh đạm có phần biết lỗi của Shimamura. Giữa nền thiên nhiên tĩnh mịnh nhưng ẩn chứa đầy biến động của xứ sở xa xôi, tất cả những thái cực ấy khắc họa nên nỗi u hoài huyền diệu như gấu áo kimono đỏ rực của Komako cô đơn và mạnh mẽ trên nền tuyết trắng.

 

Kawabata tự tử tại phòng làm việc ở Kanagawa 4 năm sau khi ông đạt Nobel Văn chương năm 1968. Lúc biết được điều này, lòng tôi sắt se lại. Nỗi u uẩn trong tim của người đàn ông nhỏ nhắn suốt đời đi tìm vẻ đẹp hư ảo và hát những khúc bi ca ấy liệu có liên quan gì đến sự mong manh lụi tàn của Yoko? Dù ông vẫn ở đỉnh cao của sự nghiệp với thành tựu và sự công nhận, có lẽ vẻ đẹp bị mai một của văn hóa truyền thống giữa lòng nước Nhật hiện đại, gấp gáp và áp lực đã không thể chiến thắng được nỗi đau buồn hiện hữu trong đời sống và định mệnh của con người để giành giật lại Kawabata cho thế giới này.


* Lấy ý theo tên tiểu thuyết “Nỗi buồn và vẻ đẹp” của Kawabata (1965)

**Khi viết bài này, tôi gần như tuyệt vọng bởi sự hạn hẹp về vốn từ và văn phong của mình gần như không thể lột tả được chính xác và trọn vẹn mọi cảm xúc tinh tế hư ảo mà Xứ tuyết đã đem lại. Tôi nhớ về cách mà lần đầu tiên tôi “gặp” Kawabata qua một đoạn rất ngắn miêu tả tiếng nước suối mùa xuân, và ngay lập tức đã phải lòng cả câu chữ lẫn người viết. Cảm xúc mê hoặc ấy vẫn còn tinh khôi nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay.

Aesthetics 
in your inbox

Get FREE beautiful wallpapers!

Be part of the private club to receive updates on my art, favourite books, music & other poetic inspirations.

No spam, promise!

Aesthetics 
in your inbox

Get FREE beautiful wallpapers!

Be part of the private club to receive updates on my art, favourite books, music & other poetic inspirations.

No spam, promise!

Share your thoughts