Về chuyện học ngoại ngữ
Hồi còn học đại học, có bạn hỏi tôi là làm thế nào để học tiếng Anh. Tôi trả lời, tất cả các ngôn ngữ đều cần sự chăm chỉ. Để thực sự giỏi thì có lẽ cần thêm một chút năng khiếu, cũng như tiếng mẹ đẻ không phải ai cũng được 8, 9 điểm Văn hay 10 điểm thuyết trình. Nhưng để có thể đọc thông viết thạo, hiểu được bình thường thì chỉ cần chăm chỉ. Để có động lực cho sự chăm chỉ ấy, thông thường người ta hoặc là phải rất yêu thích ngôn ngữ đó, say mê văn hóa và con người của quốc gia khởi nguồn, hoặc là phải thấy sự cần thiết để học nó nhằm phục vụ một mục đích quan trọng nào đó, như học hành hay công việc. Đấy là những gì tôi học và đọc được, nhưng tôi thực sự tin vào chúng cũng vì chính bản thân tôi đã trải nghiệm những điều này. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy mình luôn có thể áp dụng những nguyên tắc này vào việc học nói chung, và học ngoại ngữ nói riêng, nhất là trường hợp cá nhân của tôi.
Những ngày học tiếng Pháp này, tôi thấy rất vui vẻ, Cảm giác giống hệt như khi tôi đi học tiếng Hàn, lần đầu tiên chủ động học một thứ ngôn ngữ mình yêu thích, khám phá dần dần những chi tiết nho nhỏ về văn hóa và truyền thống thú vị của một đất nước ít nhiều còn xa lạ. Đồng thời, tôi cũng thấy mình như khi mới học cấp 3, học chuyên Anh nhưng tiếng Anh nền của tôi rất kém so với các bạn cùng lớp, những người từng học chuyên chọn, đội tuyển này kia, được rèn giũa từ bé. Để theo kịp với các bạn cùng lớp, thực sự tôi đã phải cố gắng rất nhiều để tự học, tự rèn luyện các kỹ năng của mình, lý do phần lớn là vì gia đình không đủ điều kiện để tôi đi học thêm. Nhưng có lẽ chính điều bất lợi này giúp tôi thực sự làm chủ được quá trình học của mình, ít nhất là ở các kỹ năng nghe, đọc và viết. Giờ tôi cũng tự tìm tòi, đọc và học bằng nhiều cách khác nhau, nhưng có điều khác căn bản với hồi đó, chính là tôi không hề phải chịu một áp lực nào. Tôi học hoàn toàn vì niềm đam mê một ngôn ngữ đẹp, vì tình yêu với nước Pháp và với Paris của mình. Và cũng vì không có gì ràng buộc, không có ai đốc thúc, nên tôi càng phải cố gắng giữ động lực của mình ở mức cao, bởi người quản thúc nghiêm khắc nhất giờ không phải là ai khác mà là chính tôi, là lời hứa của tôi với bản thân mình.
Tôi bắt đầu đặt ra một số tiêu chí cụ thể cho mình để học ngoại ngữ (giờ là tiếng Pháp và hi vọng sau này có thể học cả tiếng Nga nữa)
1. Biến việc học ngoại ngữ thành một niềm vui
Giống như mọi lĩnh vực khác, học ngoại ngữ hiệu quả nhất khi bạn không cảm thấy mình đang ‘phải‘ học. Tôi đơn giản là đang theo đuổi một sở thích cá nhân, có thể biết thêm một bản nhạc hay, đọc được một bài thơ nổi tiếng bằng chính thứ tiếng nó được sinh ra, hiểu thêm về một nền văn hóa giàu có và đa dạng. Mọi thứ đều mới mẻ, thú vị và dễ chịu. Không phải tôi ép bản thân mà chỉ là đang thực hiện một thử thách hay ho trong bucket list của mình. Và khi từng bước chinh phục được những mục tiêu mình đặt ra thì cảm giác hài lòng và hạnh phúc thật sự đem lại rất nhiều tự tin vào bản thân.
2. Để ngôn ngữ từ từ thấm vào mình.
Tôi tập cho mình tiếp xúc với tiếng Pháp hàng ngày, từ chuyện nhỏ như giở quyển tạp chí hay đọc một quảng cáo ngắn, cho đến chuyện nhỡ nhỡ như học từ mới, đọc sách và ghi chép lại những từ và cấu trúc hay, đến chuyện nghiêm túc hơn là tự học theo một giáo trình nhất định. Ngay cả những thứ tưởng không quan trọng như hát theo một bài hát hay nghe một bản tin trong khi làm việc khác cũng làm giúp tôi xây dựng một môi trường tiếng Pháp trong khả năng và điều kiện của mình một cách tự nhiên và nhẹ nhàng nhất.
Tôi không chạy đua theo thời gian mà chỉ tạo điều kiện để đầu óc mình làm quen dần với sự thay đổi, kiên trì đợi cho tình yêu ngôn ngữ nảy mầm, bám rễ và vươn lên khỏe mạnh, trước khi thực hiện bất cứ chiến thuật nước rút căng thẳng nào.
3. Biến bất lợi thành thuận lợi
Ngoài chuyện chủ động tự học vì điều kiện không cho phép được tới lớp do tài chính hay thời gian, một chuyện tỷ dụ khác: Hôm Hà Nội trở rét căm căm, mưa xối xả mặt mũi, mẹ bảo tôi, thôi đừng đi học tiếng Pháp nữa, chiều còn phải đi làm. Lập tức tôi thấy mặt mũi nóng phừng phừng, quyết tâm đội mưa đội gió phi đến L’Espace. Xong tôi bảo mẹ, lần sau mà trời bão bùng như này mẹ cứ bảo con ở nhà tiếp nhé, để con có động lực đi học!
Thế đấy, chính vì bị cấm cản làm việc mình thích mà đâm ra tôi càng có quyết tâm làm cho bằng được. Đây là một trong những hiệu ứng tâm lý rất phổ biến và có thể được sử dụng để tạo sự khuyến khích bằng cách thách thức ai làm một điều gì đó.
4. Học để mở rộng tầm nhìn và trái tim mình
Khi học ngoại ngữ, nếu đã khá được một thứ tiếng thì thứ tiếng thứ 2, thứ 3 sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đó là vì đầu óc của mình đã phá vỡ những nguyên tắc định hình bởi ngôn ngữ mẹ đẻ (hoặc ngôn ngữ chính thức) và trở nên linh hoạt hơn, dễ dàng tiếp nhận những quy tắc và bất quy tắc khác của ngôn ngữ mới.
Việc học với tôi là một hành động rất đẹp, nó phát triển trí tuệ, mở mang kiến thức và tầm nhìn của mình về thế giới, và từ đó tìm hiểu và cải tạo bản thân theo hướng tốt đẹp hơn. Nó làm tôi thấy mình rộng mở hơn, sẵn sàng đón nhận những tinh hoa tốt đẹp, xóa bỏ bớt định kiến và bình tĩnh đối mặt với những xung đột hơn. Đơn giản là vì, khi đã biết rồi, người ta không còn sợ nữa.