Cây và hoa

Trên đường đi đến chợ Kwang-chang, tôi nhìn thấy một hàng bán cây ngay gần lối ra số 8 của tàu điện ngầm ở ga Jongno 5. Cửa hàng rất nhỏ, đúng ra đó chỉ là một kios dựng lên bằng gỗ quết sơn xanh, trông càng mong manh dưới làn mưa thu lướt thướt. Khi còn đang tần ngần cầm chiếc ô gãy mất một nhịp của Jay và nhìn xung quanh để xác nhận rằng mình đã đi đúng đường, tôi thấy người bán hàng và một vị khách đang nói chuyện rất thân tình và lịch sự, trên tay vị khách cầm một cây hồng nhỏ. Trong tiềm thức của tôi, quả hồng luôn mọc trên cây lớn, trồng sâu xuống đất, và vì thế, khi ngạc nhiên nhìn những quả hồng Hàn Quốc to hơn nắm tay tôi, chín ruộm màu cam đỏ, lúc lỉu trên những cành mỏng manh của một cái cây con cao chưa đến hông người, tôi bất giác thấy vừa cảm động, vừa buồn cười, như khám phá ra một điều vốn hiển nhiên mà lâu nay mình không biết. Nhìn những quả hồng như đốm lửa rực rỡ trong cái lạnh lẽo ảm đạm của một ngày mưa, đầu óc tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ.

Tôi vốn rất thích hồng, và thích ăn chúng. Tôi thích vị ngọt thanh của hồng ngâm vỡ giòn tan trong miệng, thích cảm giác những hạt cát vàng cựa khẽ khàng vào những gai lưỡi. Tôi thích vị ngọt đậm đà như pha đường của hồng đỏ, mỗi quả thuôn tròn chứa đựng hết cái no đủ và tràn trề của mùa thu trong vỏ căng mịn, sáng lên như hồng ngọc trong nắng. Tôi thích hồng như một đứa trẻ, ăn hồng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào có thể. Nhưng hồng cũng chỉ có mùa. Thế nên một năm tôi chỉ háo hức chờ đến mùa thu để ỉ ôi với mẹ đòi mua hồng. Nếu hồng mua về còn xanh, da trơn bóng, biếc lên như màu cỏ, tôi bê cả rổ hồng lên phòng mình phơi nắng, chốc chốc lại để ý bóng nắng đi tới đâu tôi dịch lũ hồng tới đó. Đối với tôi, hồng giống như một sự kết hợp hoàn hảo giữa vị và sắc, và vì chúng rất thu, tôi lại càng mê mệt. Thế nên tôi đứng đó phải mất năm mười phút trong mưa, chỉ để nhìn những cây hồng non xếp ngay ngắn cạnh cửa hàng. Tôi muốn mua một cây về trồng. Ước gì tôi có thể làm được điều đó. Mua chúng, đóng gói và mang về. Đó có thể là món quà đặc biệt và ý nghĩa nhất tôi có thể tặng mình trong chuyến đi Seoul này. Nhưng điều đó là không thể, cũng như tôi đã không thể mang cây tử đinh hương Ba Tư về từ Pháp.

Loại cây tử đinh hương ấy tôi gặp lần đầu ở Vườn Bách thảo (Jardin des Plantes), vào những ngày đầu tiên của tháng Năm. Năm ấy, châu Âu vừa trải qua một mùa đông khắc nghiệt nhất trong vòng 50 năm, khiến những ngày tháng Ba của Paris cũng đóng băng. Tháng Tư đến và đi vội vã, rơi rớt chút sắc hương trên những cành hoa đào, mận, táo và anh đào. Chỉ đến tháng Năm, đất trời mới thực sự vào xuân. Hôm ấy Chủ nhật, nắng ấm và trời cao xanh, mây trắng lốp xốp trôi ngang, tôi lững thững đi dọc bờ Nam sông Seine cho đến khi gặp Vườn Bách thảo. Khi đến khoảng giữa sân tôi bỗng ngửi thấy một mùi hương thơm ngát được nắng hâm nóng lan toản trong không gian. Mùi tử đinh hương. Tử đinh hương có nhiều loại, nhiều màu, nào thì hồng, trắng, xanh lam, tím. Giữa những cánh hoa mỏng nhiều sắc độ khác nhau, tôi tìm thấy cây tử đinh hương Ba Tư. Đó là một cái cây bình thường, loại cây bụi, thấp ngang vai tôi, tán tỏa tròn xuống tận gốc. So với những loại tử đinh hương khác, hoa của nó không có gì đặc biệt, thậm chí còn có phần kém sắc. Hoa không ken thành chùm mà thưa thớt, bốn cánh nhỏ và mỏng, màu tím nhạt một cách hững hờ. Nhưng mùi hương của nó thì thật kỳ lạ. Ngọt ngào vừa phải, quyến rũ vừa phải, không gắt, không nồng, rất nhẹ mà dai, quấn quít. Mùi hương đó không đơn sắc, khi ngửi xa thì thấy thanh tao, lúc ngửi gần lại rất đậm đà, kiểu hương khiến người ta phải dừng lại, thở thật chậm và đều, để từ từ thưởng thức chứ không phải chúi mũi vào hít hà. Mùi hương ấy lập tức khiến tôi nhớ lại những buổi chiều mùa hạ ấm áp ở Avignon, hoàng hôn xuống rực rỡ trên những tán cây đang sẫm lại trong bóng tối bên sông, gió mát lộng thơm mùi oải hương lướt đi khoáng đạt trong không gian yên ả. Vì mùi hương ấy, tôi đã lùng sục những chợ hoa và hàng hoa ở Paris và lên cả Internet để tìm cách mua, và hạnh phúc viết thư cho nơi duy nhất bán tử đinh hương Ba Tư là một trang trại ở miền Nam nước Anh chỉ để nhận được trả lời rằng chúng không được gieo hạt mà chiết cành thành cây con.

Việc mang tử đinh hương Ba Tư về Việt Nam bất thành cũng là một phần khiến cho ước mơ mở cửa hàng hoa nhỏ cửa tôi tạm gác lại. Tôi vẫn luôn muốn có thể có một cửa hàng cây và hoa nhỏ của mình, ở một góc phố nào đó, trong khu dân cư hay trên đại lộ, để trồng, chăm sóc và chia sẻ tình yêu với cây và hoa của mình một cách lặng lẽ. Cũng có thể vì thế mà tôi đặc biệt cảm tình với Satoshi và cửa hàng thủy sinh của anh. Có lẽ vậy, ai cũng cần một nơi như thế để có động lực theo đuổi ước mơ, để thực hiện những lời hứa với chính mình từ thủa thơ ấu, để cởi bỏ mọi bon chen tất bật mà giữ một mảnh bình yên để tâm hồn có nơi trở về.

Một lần, anh kể với tôi về bạn anh, một người học hành đàng hoàng tử tế, tương lai phơi phới trước mặt bỗng dưng một ngày quyết định bỏ nhà lang thang kiểu du mục, nay đây mai đó. Nỗi nhớ lại dấy lên trong ngực, và khao khát được một lần nữa đứng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên cực Bắc, trước những dãy núi đá sừng sững đỉnh đóng băng phản chiếu xuống vịnh nước xanh như thiếc, trước những khoảng không vô định ngút ngàn tầm mắt, kéo dài tưởng đến tận chân trời, trước buổi trình diễn ánh sáng lộng lẫy của những đêm cực quang, trước bầu trời tím thẫm lúc bình minh trăng vẫn còn sáng khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới chia kịp làm tan sương giá nhọn hoắt như chông trên đám cỏ. Tôi nhớ đến lúc tôi hôn những con sói và để chúng liếm láp khắp mặt như một nghi thức về lòng tin, lúc tôi ngồi cạnh đàn tuần lộc giữa cánh đồng buốt sương,  lúc tôi đứng giữa bầy hươu trong công viên Nottingham, lúc tôi hát cho con gấu cái tên Salt ngồi sau lưới sắt hết bài này đến bài khác, cho đến khi tay tôi cứng đờ vì lạnh và hơi thở thoát ra khỏi miệng đã kịp đông thành những vầng khói mỏng. Đó chính là cảm giác của Christopher McCandless trong Into the Wild, của  cậu bé Kafka Tamura trong “Kafka bên bờ biển” khi đứng trước rừng núi, cảm giác lọt vào giữa đại ngàn và bị mê hoặc bởi sự hoang dại và vĩ đại của nó, cảm giác buông xuôi để thiên nhiên đưa đường chỉ lối. Cảm giác bị nuốt chửng. Tôi sẽ giữ mãi trong lòng niềm hạnh phúc vừa thấy nhỏ bé trước sự bao la dữ dội, vừa thấy tự hào vì mình thuộc về nơi ấy, là một phần, một mắt xích trong sự toàn vẹn của tự nhiên.  Vì thế, với tôi, cây và hoa lớn hơn cả một niềm an ủi và ngưỡng mộ, chúng là biểu tượng, mà cũng là sợi dây cuối cùng kết nối thiên nhiên và con người trong cái thành phố khói bụi và ồn ào đến ngạt thở này.
 

Aesthetics 
in your inbox

Get FREE beautiful wallpapers!

Be part of the private club to receive updates on my art, favourite books, music & other poetic inspirations.

No spam, promise!

Aesthetics 
in your inbox

Get FREE beautiful wallpapers!

Be part of the private club to receive updates on my art, favourite books, music & other poetic inspirations.

No spam, promise!

Share your thoughts