Book | Chihiro Box
Sau bao ngày chờ mong, cuối cùng cuốn Chihiro Box đã về đến tay. Đẹp nghẹn ngào. “Used good” mà nguyên vẹn, sạch sẽ, láng coóng từ đầu đến chân làm mình chốc chốc lại nhìn tay kiểm tra xem có sạch sẽ không vì sợ sẽ bất cẩn để lại vết bẩn nào đó. Bố mẹ tưởng mình điên vì thấy con bé cứ nhảy tưng tưng ôm quyển sách, xuýt xoa, tấm tắc từng cái tranh, từ trang 1 đến trang 200.
Chihiro Iwasaki là người đầu tiên ôm những hạt mầm bé gieo vào tim mình ước mơ trở thành họa sĩ thiếu nhi. Và từ đó đến nay, dẫu có vô số họa sĩ/họa sĩ kiêm tác giả tài năng khác nhưng chưa có ai làm mình xúc động đến vậy khi xem tranh. Sự lôi cuốn của những vệt màu nước và nét chì mộc không nằm ở việc phô diễn kỹ thuật hay tham lam chi tiết. Thứ mà từng bức tranh mang lại chính là cảm xúc, sự ngọt ngào và chất thơ trong từng mảng màu, từng nét bút. Mỗi bức đều là một giấc mơ.
Có hai điểm ở tranh của bà mình đặc biệt hâm mộ. Thứ nhất là sự tiết chế. Tranh Chihiro có rất nhiều khoảng trắng, trong minh họa, đây gọi là không gian để tranh có thể “thở”. Người đọc/xem không cảm thấy bị ngồn ngộn thông tin bởi sự dư thừa chi tiết mà thiếu đi sự tập trung, ngược lại, họ có thể tiếp tục vượt qua khỏi khung tranh, mơ mộng, tưởng tượng, tự do vẽ tiếp phần còn lại của giấc mơ. Có những tranh trông qua khá đơn giản, nhưng càng nhìn, càng đặt vào tổng thể của của tác phẩm càng thấy rõ được sự nhạy cảm của trái tim họa sĩ thông qua màu sắc hoặc những chi tiết đặc tả nắm bắt cái thần thái của đứa trẻ, dẫu chỉ nhỏ như là từng cái đốt ngón tay. Bà đặc biệt có khả năng cảm nhận được những chuyển động và năng lượng nội tâm đứa trẻ, và bằng sự tinh tế của bản năng người mẹ, diễn tả lại những cảm xúc và suy nghĩ bên trong ấy trên giấy. Tranh Chihiro cũng được cho là đã chịu sự ảnh hưởng từ khả năng chấm phá, tả ít gợi nhiều của hội họa cổ điển phương Đông, trong đó bao gồm cả nghệ thuật viết chữ Nhật Bản.
Chihiro và con trai, Takeshi
(Chihiro) is an extraordinary writer, because she could understand children’s hearts, they are independent people that have an inner world, and she let adults notice children’s existence and their dignity.”
– Isao Takahata
Điều thứ hai làm nên phong cách của Chihiro chính là việc sử dụng màu nước. Chihiro đã sáng tạo ra kỹ thuật Nizimi-e của riêng mình, sử dụng rất nhiều nước để màu chuyển động dễ dàng, hòa trộn vào nhau hoặc xếp theo tầng như kính màu khiến ánh sáng đi qua các lớp này, chạm xuống mặt giấy trắng, hất trở lại lung linh. Từng lớp màu, từng kỹ thuật được sử dụng đều là sự kết hợp giữa hai yếu tố tưởng chừng đối lập: một bên là sự quan sát chặt chẽ và kỹ thuật điêu luyện, một bên là sự ngẫu hứng và thoải mái, gần như là sự vui đùa của trẻ nhỏ. Sự khó nắm bắt và kiểm soát của màu nước là một trong những thách thức nhưng cũng là điểm đặc biệt nhất, hấp dẫn nhất và đẹp nhất của màu nước. Không bao giờ bạn có thể vẽ 2 bức tranh màu nước giống hệt nhau, kể cả cùng một loại giấy, bút, màu, cùng một người vẽ, sẽ vẫn luôn có những sai số về ánh sáng, độ ẩm của giấy (thậm chí của cả không khí), lượng nước, lượng màu, thời điểm đặt bút pha màu, gây ảnh hưởng lên kết quả cuối cùng của từng hạt màu tác động lẫn nhau và tác động với nước. Đối với họa sĩ màu nước mà nói, sự tin tưởng tuyệt đối vào chất liệu mình đã chọn là điểm tiên quyết đầu tiên. Chọn màu, pha, đặt bút xuống, tự tin vào bản năng của mình, phần còn lại là chờ đợi và tin tưởng vào sự kỳ diệu của màu nước.
Một số bạn nói họ nhận ra trong Some days are lonely của mình có hơi hướng của Chihiro. Thực lòng, mình coi đây là một lời khen với người bắt đầu. Đúng là tranh mình vẽ chịu rất nhiều ảnh hưởng từ Chihiro, nhưng không phải ở phần kỹ thuật mà ở tinh thần và triết lý của bà về việc vẽ cho trẻ em. Bà từng nói, muốn tạo ra những cuốn sách tranh tồn tại qua nhiều tháng năm, không chịu ảnh hưởng của bất cứ xu hướng nghệ thuật nào. Bởi với Chihiro, điều độc đáo nhất vẫn luôn là điều giản dị và chân thành nhất.