BOOK | Bông hồng vàng – Paustovsky
Rất lâu rồi, khi tôi còn trẻ nít và ngây thơ, tôi đã viết về tình yêu cuồng nhiệt của mình với “Bình minh mưa” và Paustovsky. Những truyện ngắn trong trẻo, trữ tình và đầy nhân văn ấy đã theo tôi suốt những năm tháng tuổi trẻ.
Nhưng dẫu nằm chung trong cùng một cuốn sách với “Bình minh mưa”, tôi chưa từng động tới “Bông hồng vàng”. Có lẽ là vì những chia sẻ, tâm huyết về nghề viết khá xa lạ với một kẻ ngoại đạo như tôi, một người chỉ viết khi thích, không kể tới nhật ký thì lác đác một năm được vài ba câu chữ. Sự bay bổng, lãng mạn trong “Tuyết”, “Hạt cát”, hay “Cầu vồng trắng” rõ ràng có sức cuốn hút hơn hẳn những bài viết thực tế và chi tiết về công việc “đãi cát tìm vàng”, khổ luyện thành tài của nhà văn. Cho tới mãi gần đây, khi tôi thực sự bước vào con đường nghệ thuật.
Tôi không rõ là do kinh nghiệm sống, độ chín muồi của nhận thức, độ trưởng thành của bản thân đã giúp tôi hiểu và đồng cảm hơn với “Bông hồng vàng” hay chính vì những suy nghĩ, trăn trở về lao động nghệ thuật và đạo đức nghề nghiệp được Paustovsky nhắc tới trong tập tản văn là phổ quát đối với bất cứ loại hình nghệ thuật nào, với bất kỳ người sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc nào.
Cú sốc đầu tiên đến với tôi từ “Truyện ngắn đầu tiên”, trong đó Paustovsky nói về việc dấn thân vào cuộc sống, phải sống và cảm nhận trực tiếp mọi thứ, không phải vì mục đích ghi chép, không phải làm một người quan sát chuyên nghiệp hay một người sưu tầm sự kiện mà chỉ đơn giản là hòa mình vào một dòng chảy chung. Sống, lớn lên, trưởng thành, từ đó mới đủ năng lực để sáng tạo, bằng tất cả tâm hồn và trí óc.
“Cái vốn quan sát cuộc sống của tôi lúc đó quá nghèo nàn và chật hẹp… Khi hiểu ra điều ấy, tôi hoàn toàn bỏ viết, trong mười năm liền, và như Marxim Gorki nói, “Đi vào con người”, tôi bắt đầu lang thang trên đất nước Nga, làm hết nghề này đến nghề khác và tiếp xúc với đủ mọi loại người…
Tôi sống, thế thôi, không hề cố gắng ghi chép hoặc nhớ lấy dù là một chút cho những tác phẩm tương lai.
Tôi sống, tôi làm việc, tôi yêu, tôi đau khổ, tôi hy vọng, tôi mơ ước, chỉ biết một điều rằng, sớm hay muộn, đến tuổi trưởng thành hoặc hơn nữa, thậm chí có thể khi đã về già, tôi sẽ viết. Tôi sẽ viết không phải là vì tôi đã đặt ra cho mình nhiệm vụ ấy mà là vì tâm hồn, trái tim, khối óc tôi đòi hỏi tôi phải làm như vậy. Và bởi vì văn học, đối với tôi, là một hiện tượng đẹp đẽ nhất trên thế giới.”
Những dòng trên đã khiến tôi đã phải lòng ngay thêm một lần nữa, mãnh liệt như lần đầu tiên tôi đã yêu khi đọc “Cây tường vi”. Nhưng không chỉ yêu mến ông với tư cách là một nhà văn mà còn như một con người với những phẩm chất đẹp đẽ. Sự sâu sắc, thấu hiểu, tình yêu với nghệ thuật và sự nghiêm túc trong sáng tác của ông đã làm trái tim tôi rung động.
Ở “Đêm trắng”, khi nghe ông kể về công cuộc đi tìm ý tưởng sáng tác ở Pêtơrôzvôtxkơ trong đầu tôi lập tức hiện ra những con đường nhỏ, những rừng cây, những hồ trong thành phố ông ở. Tôi chợt nhận ra rằng, cái cảm giác déjà-vu tôi luôn thấy trong truyện của Paustovsky, nơi mọi thứ đều quá đỗi quen thuộc, gần gũi, ấm áp và duyên dáng như tôi đã đã từng thấy, từng nghe, từng đi qua ở đâu đó, chính là bởi chúng là những con đường, những ngõ ngách, những rừng, những hồ vốn nằm sẵn trong tâm trí tôi, do tôi xây dựng nên, dựa trên những con chữ của ông, những con chữ đã truyền cảm hứng, khơi gợi tưởng tượng trong không gian nội tâm của tôi.
Có lần tôi đọc “Ông lão trong quán điểm tâm ngoài ga” trong bồn tắm. Tôi vốn có thói quen đọc sách khi tắm bồn, thường thì sẽ mang mấy quyển sách hoặc tạp chí đẹp đẽ về ngôn từ cũng như hình ảnh để thư giãn, rồi ngâm nga tận một, hai giờ đồng hồ. Đọc tới chỗ ông nói về tầm quan trọng của những chi tiết đắt giá trong việc thể hiện nội dung, thì bỗng dưng tôi bật khóc. Tôi chưa bao giờ khóc khi đọc Paustovsky. Những trang viết của ông vẫn luôn là thứ chữa lành, an ủi, bảo vệ tôi. Nhưng lần này, tôi thực sự xúc động vì nhà văn vĩ đại mà tôi vô cùng yêu quý lại có những suy nghĩ giống mình, những trăn trở và định hướng vốn nằm sâu bên trong lòng mà bản thân tôi cũng không tự nhận thức thấy. Những khao khát được đi sâu vào cuộc sống, được thể hiện sự đẹp đẽ, tinh túy từ thực tế, từ những thứ tưởng nhỏ bé, từ những con người tưởng tầm thường. Mong muốn được tôn trọng sự thật và sự trung thực, được ngợi ca những gì quả cảm và chân thành. Giống như việc rung động và cảm thán trước một bầu trời tháng Mười cao rộng, trong vắt, điểm những vì sao lấp lánh thay vì vòm trần bê tông nơi đính những vì sao giả của đài thiên văn.
Rồi tôi được biết rằng, suốt cả cuộc đời ông sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa và làm việc với đủ mọi tầng lớp nhưng ông chưa từng làm Đảng viên Đảng Cộng sản. Ông đã cố giữ mình và những tác phẩm của mình khỏi những ràng buộc bởi những áp chế chính trị. Cho dù việc đó đồng nghĩa rằng thành tựu văn học của ông không được chế độ công nhận, ông bị tước đi mọi giải thưởng, danh hiệu, đặc biệt trong đó có cả giải Nobel Văn chương mà ông được 4 lần đề cử. Mặc dù Paustovsky nhiều lần viết rằng sự trưởng thành của ông với tư cách là một nhà văn và một con người diễn ra dưới chế độ Xô Viết, đã “phục vụ công cuộc xây dựng một xã hội mới, thực sự xã hội chủ nghĩa”, ông vẫn từ chối vào Đảng, không viết một chữ nào về Stalin – “người bạn và lãnh tụ vĩ đại”, chưa từng ký một bức thư vu khống nào, và ngay cả khi nằm trên giường bệnh, vẫn cố gắng bênh vực và bảo vệ sự tự do của sáng tác nghệ thuật.
Tôi bỗng nhận ra rằng mình muốn vẽ như cách ông viết, muốn sống như cách ông sống. Muốn trở thành một con người trung thực, khiêm tốn, kiên trì, nhẫn nại, với một trái tim nồng hậu, một tâm hồn mẫn cảm và sự dũng cảm kiên cường đứng vững trước mọi đe dọa bên ngoài để không phải thỏa hiệp với những tiêu chuẩn đạo đức và nghề nghiệp của mình.
Cuối tháng Tám, trời bắt đầu se lạnh và mau tối. Trong công viên mùi lá thanh nhẹ như chuẩn bị đón một mùa thu ngọt ngào. Những vạt nắng cuối cùng hắt lên tòa nhà bên kia đường một thứ ánh sáng dịu dàng và ấm áp. Ngẩng đầu thấy thấp thoáng giữa những tán lá sồi đã bắt đầu chuyển sang vàng nhạt là từng cụm mây trắng đủng đỉnh nối đuôi nhau tạo thành một vạt mỏng vắt ngang bầu trời, tôi chợt nhớ đến những cánh rừng quê hương trong bài viết cuối cùng, nơi ông đau đáu nhớ về suốt chiều dài những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Trong cái yên tĩnh và trễ nải của rừng ấm ta nằm nghỉ dưới tán thông đầu tiên cành lá lòa xòa, “nhìn lên những chuỗi mây vô tận. Mây ra đời ở một nơi nào trong khoảng xa xăm mờ xanh và không ngừng trôi đi đâu không rõ”. Có phải khi nhìn “những đám mây lộng lẫy trôi trên bầu trời mênh mông” ông cũng cảm thấy như tôi lúc này, ngập tràn tình yêu và sự biết ơn với thiên nhiên và cuộc sống?
Vào giây phút ấy tôi biết rằng, cuộc đời này, gặp được Paustovsky là một niềm hạnh phúc.