HEALING | Bài học từ Ikebana

“Cắt đi, cắt đi…” bác trai ngồi góc chéo với tôi ở dãy bàn xếp hình chữ U động viên.
“Nhưng mà cháu thấy có lỗi lắm ạ…” tôi vừa cười ngượng nghịu vừa khua khua cái kéo lên ý bảo rằng mình cũng muốn lắm nhưng mà phải bỏ đi một nụ hoa làm tôi giống như tên đao phủ vô tình vậy. Rõ ràng là phải cắt, bởi vì cái nụ nhỏ ấy kéo theo xung quanh nó là đám lá khiến cho bình hoa chật chội và không có không gian để thở. Cơ mà tôi vẫn không nhẫn tâm xuống tay nổi. Cuối cùng, cô giáo đi qua, nghe được câu chuyện “cắt hay không cắt” liền bảo, “Thế thì trước khi cắt bạn nói với nó, cảm ơn vì đã sinh ra xinh đẹp như vậy, và xin lỗi vì phải từ biệt bạn ở đây.” Tôi nghe vậy, như trút được gánh nặng, vui vẻ cảm ơn và xin lỗi rồi tiếp tục hoàn thành nốt bài tập.

Chuyện nhỏ này đã chứng minh rõ nét một trong những điểm yếu nhất, và cũng là điểm mạnh nhất của tôi. Tôi luôn quan tâm để ý đến người khác, cố gắng làm sao cho ai cũng vui vẻ, ai cũng thoải mái, nếu có bỏ lỡ ai đó, thì sẽ lập tức cảm thấy tội lỗi. Họ càng là người ít nói, dễ xấu hổ, yếu thế, hoặc bị gạt ra ngoài lề thì tôi càng thấy có trách nhiệm (tự trao) phải chăm lo, bảo vệ họ. Không có đủ “healthy boundaries” – ranh giới lành mạnh khiến một phần tôi trở nên phụ thuộc vào cảm xúc của người khác đồng thời phần khác lại rất bực bội với bản thân không dám lên tiếng, vì sợ làm tổn thương họ mà cứ chịu đựng. Nhiều khi tình yêu, sự đồng cảm và trân trọng không còn nữa nhưng tôi vẫn nhẫn nhịn, vẫn tự bào chữa cho người ta, rồi tuyệt vọng níu kéo, bất chấp cảm nhận, quan điểm và giá trị của riêng mình. Việc này cũng đúng với vật dụng, ôm đồm gom góp nhiều thứ, đến khi bỏ đi cái gì cũng không muốn, không nỡ. Dẫu có tinh thần tối giản nhưng khi dọn dẹp cầm cái nọ thì tiếc cái kia.

Nhưng hôm ấy, giữa một buổi cắm hoa vui vẻ, tôi học được cách từ bỏ một cách nhẹ nhàng. Chỉ cần cảm ơn vì sự tồn tại, vẻ đẹp, sự hữu ích, tình cảm tốt đẹp hay niềm vui đã mang lại của ai hay vật gì, rồi xin lỗi đã đến lúc phải để họ ra đi. Những gì không còn phù hợp nữa thì chia tay một cách bình yên. Không than phiền, không oán trách, không day dứt dai dẳng. Nâng lên được, đặt xuống được.

 

 

Một trong những nguyên tắc của Ikebana là “khoảng trống”. Một tác phẩm hoàn thiện đạt chuẩn phải cân bằng được âm – dương. Có đầy sẽ có vơi, có dâng sẽ có cạn, có nở sẽ có tàn. Hài hòa theo quy luật của tự nhiên, tôn trọng vòng tuần hoàn của sự sáng tạo. Khoảng không giữa hoa lá cành cũng có ý nghĩa và tầm quan trọng y như phần được lấp đầy bởi màu sắc, hình dáng và nguyên liệu bề mặt. Việc tỉa bớt cành lá để làm nổi bật nhất hình dáng mong muốn của tác phẩm là tất yếu, đôi khi cần một cái đầu lạnh để gạt bỏ hết những thứ rườm rà màu mè hết ra, chỉ giữ lại thứ trọng yếu nhất, thể hiện tinh thần và chủ đề của tác phẩm rõ nhất. Tiết chế, tối giản, nhưng không đơn giản. Tôi vẫn nhớ một trong những chuyện hay được kể đi kể lại về ikebana, wabi sabi và các triết lý thẩm mỹ của Nhật Bản chính là việc ông tổ của trà đạo Nhật Bản đã cắt phăng tất cả hoa trong vườn nhà, chỉ để lại một bông duy nhất để khách uống trà có thể toàn tâm toàn ý tập trung thưởng thức vẻ đẹp độc nhất vô nhị của bông hoa ấy.

Từ ngày đi học, tôi cũng thường xuyên nhìn lại mình hơn. Bởi vì Ikebana là “hoa đạo”, không chỉ là việc cắm hoa, làm sao để đạt được hình dáng, đường nét và sắp xếp hoàn hảo nhất, mà thực chất đây cũng là cách rèn giũa và hoàn thiện con người. Ikebana cần sự luyện tập hàng năm trời, kiên trì, nhẫn nại, vượt qua sự thực hành nghiêm ngặt những quy tắc và các kiểu dáng cố định để có thể đạt được đến sự tự do sáng tạo cuối cùng khi tâm thế đã được tôi luyện, con người trở về với nguồn cội trong sự thống nhất của vũ trụ. Hoàn toàn không có chỗ cho sự nóng vội, tự cao hay khoe mẽ. Sự tĩnh lặng, thanh thản bên trong là yếu tố tiên quyết khi cắm hoa. Nội tâm trang nhã, trực giác tinh tế sẽ được thể hiện ra bên ngoài, vượt trên những kiến thức bề nổi và các yêu cầu kỹ thuật tỉ mẩn. Tâm có trong và sáng thì tác phẩm mới có hồn, mới có sức lay động nội tại.

Tôi dọn dẹp ít nhiều những suy nghĩ bên trong. Cái gì cần giảm, cần tránh thì học cách từ từ giản lược hết. Để cho những điều thực sự quan trọng lộ ra rõ ràng. Tôi nhận ra, trong suốt gần một năm qua mình bị rối loạn căng thẳng và lo âu, phần nhiều là do nặng tình, nặng lòng, cái gì người khác nói về mình mình cũng ôm lấy mà nghĩ quẩn, kể cả nhiều khi là sự phóng chiếu. Vì bị cuốn vào vòng luẩn quẩn nên không có tâm trí gì cho việc vẽ vời. Và khi không thể sáng tác tôi càng bị tù túng không lối thoát. Tôi cảm thấy tội lỗi vì bệnh trì hoãn kinh niên, vì không thể theo đuổi tiếng gọi của con tim, nhưng đồng thời cũng không có cách nào thoát khỏi mớ bòng bong mà tôi chìm nghỉm trong đó. Tôi giẫy giụa, chới với, chông chênh, cô đơn và tuyệt vọng. Tôi thất vọng về chính bản thân mình. Thế nhưng rồi khi tai họa ập xuống, tôi không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận. Chấp nhận một cách bình thản. Giữa tâm bão, tôi thấy tâm mình an yên. Là bởi vì tôi nhận ra, nếu sống đến 60 tuổi như đã định thì tôi đã qua tuổi trung niên. Tôi không còn nhiều thời gian để vật vã vì những thứ vặt vãnh nữa. Khi tôi có thể sáng tạo là lúc tôi hạnh phúc nhất, phiêu nhất, thấy cuộc đời mình tràn đầy nhất. Đó là động lực, là nguồn sống và là mục đích của tôi. Sáng tạo. Không phải thành tựu hay danh vọng hay tiền tài hay địa vị. Chỉ cần cầm bút lên, viết hay vẽ đều khiến tôi cảm thấy sự tồn tại của mình có giá trị trên đời, dù chỉ là đối với riêng tôi.

Bức tranh đầu tiên đánh dấu sự trở lại đối với tôi là sự thất bại, mà cũng là thành công. Thất bại là bởi kỹ thuật bấy lâu không dùng bị mai một cộng với gánh nặng tâm lý. Nhưng thực sự khi vẽ xong, tôi đã xúc động vì hạnh phúc, thực sự hạnh phúc hơn nhiều so với việc hoàn thành những bức phức tạp trước đây. Bởi vì tôi có thể vẽ, có thể thể hiện những cảm xúc và ước mơ và suy nghĩ bên trong lên trang giấy, bằng màu và nước và ánh sáng.

Tôi gạt hết mọi thứ sang bên. Tôi không cần một quyển self-help nào hướng dẫn tập trung, chánh niệm hay quản lý thời gian nữa. Tất cả thời gian là của tôi, chỉ dành cho những điều thật sự có ý nghĩa với tôi. Khi tâm thế đã định rõ, tôi trở nên thư thái, bình thản đồng thời cũng vui vẻ và dễ phấn khích hơn. Tôi cười rất nhiều, thoải mái, can đảm, rộng lượng và nhiệt thành. Không phải vì muốn làm vừa lòng ai, mà biết rằng đây chính là bản thân mình, một phiên bản “healthy and balanced”, mong manh nhưng bền bỉ và mạnh mẽ. Tôi trở thành đứa trẻ xinh đẹp mà tôi luôn giấu kín trong tim. Tôi bắt đầu có thể nhìn thẳng vào mắt anh và nở một nụ cười rạng rỡ nhất, ấm áp nhất, không còn sợ bị tổn thương, không còn sợ hiểu lầm. Tình yêu với cuộc sống này, cuối cùng cũng đã có thể hào phóng cho đi không chút e dè, toan tính nào. Giống như những bông hoa kia, vươn về phía mặt trời bằng sự chân thành thuần khiết. Việc duy nhất mà chúng làm là nở bung và tỏa hương.

 

 
 

Aesthetics 
in your inbox

Get FREE beautiful wallpapers!

Be part of the private club to receive updates on my art, favourite books, music & other poetic inspirations.

No spam, promise!

Aesthetics 
in your inbox

Get FREE beautiful wallpapers!

Be part of the private club to receive updates on my art, favourite books, music & other poetic inspirations.

No spam, promise!

Share your thoughts