Travel | Chuyện kể từ Ai Cập
Tôi đến Ai Cập vào những ngày cuối tháng 2, tháng vẫn được coi là mùa đông của xứ sở nhiệt đới với thời tiết tuyệt đẹp, đối nghịch hẳn với cái giá lạnh của miền bắc, với sương mù và mưa tuyết Luân Đôn. Lúc đặt chân xuống sân bay vẫn còn là rạng sáng, Heliopolis vẫn đang ngái ngủ, trời se lạnh dễ chịu và không gian thoáng đãng, tôi hồ hởi đi ra xe đón của khách sạn với niềm háo hức mong chờ một chuyến đi tốt đẹp tiếp nối chuỗi hành trình suôn sẻ của mình mà không hề biết rằng những gì đang chờ đợi mình phía trước hoàn toàn khác xa với kỳ vọng.
Cảm giác đầu tiên của tôi khi tiến vào Cairo là sự hoang mang. Những hình ảnh đẹp đẽ trong các sách hướng dẫn du lịch về đất nước của kim tự tháp nổi tiếng và đền đài tráng lệ, sáng lung linh trong nắng sa mạc rực rỡ, dưới bầu trời vĩnh viễn biếc xanh dần tan đi trong khói bụi ngạt thở của hơn 20 triệu con người chen chúc, dẫm đạp lên nhau mà sống trong cái thủ đô từng được coi là Mẹ của các thành phố này. Cát bụi bám đen trên những bức tường đổ nát của hàng dãy những tòa nhà bỏ hoang giữa lòng thành phố. Rác rưởi, phế thải và khói bụi làm cho những công trình hoành tráng, tinh xảo nhất cũng mất đi nửa phần vẻ đẹp. Nếu nhìn từ trên cao thì hầu hết các nóc của mọi tòa nhà đều được trưng dụng làm nơi chứa rác với đầy những vật dụng cũ, hỏng hóc, không biết nhét vào đâu. Và trước khi tôi kịp định hình, tôi bỗng thấy mình đang ở Hà Nội. Với tất cả cái nắng, nóng, không khí ô nhiễm, đường đầy xe và người không biết từ đâu túa ra, vì một lẽ nào đó, tôi có cảm giác mình lại đang ở nhà.
Dẫu vài phút đầu chuệch choạc, tôi nhanh chóng học lại cách phi thân từ bên này đường sang bên kia đường giữa những làn xe chen chúc nhau, một kỹ năng được rèn rũa từ bé khi sinh ra trên một đất nước xấp xỉ 80 triệu dân. Giao thông ở Cairo là một sự hỗn loạn đặc trưng của một thành phố quá tải về dân số. Tắc đường như cơm bữa. Ô tô xếp thành dãy dài hàng kilomet, nhíc từng tí từng tí một. Cứ hở ra nửa gang là xe nọ tranh xe kia lấn tới. Người đi bộ đi dưới lòng đường, còn trên vỉa hè xe máy vi vu. Giờ nào cũng giống như giờ tan tầm. Còn giờ tan tầm thì, ôi thôi, chẳng khác nào đại họa. Đấy là với khách du lịch từ những nước Âu Mỹ văn minh. Còn với người dân Cairo, thực sự tôi nghĩ họ chẳng lấy thế làm phiền lòng. Có lẽ vì người ta sống quen trong cái khổ nên họ không còn băn khoăn nhiều nữa mà còn vui vẻ chấp nhận thực tại hay bông lơn chế giễu nó. Không ai vội vàng cả. Họ ngồi trong xe ô tô nói chuyện, nghe nhạc, thậm chí gọi với từ xe này sang xe kia rất thoải mái để hỏi đường, hỏi giờ và “đàm phán” xem ai được đi trước khi có chỗ trống. Nhưng cũng chính vì những người an nhiên tự tại như thế, tôi đã nước mắt nước mũi tèm lem khi lần thứ hai trong đời lỡ chuyến bay trở về Luân Đôn, chỉ vì một vụ đình công vào chủ nhật làm tắc đường mà 45 phút đi ra sân bay đã biến thành 3 tiếng và khi tôi trờ tới quầy check-in thì họ đã kịp đóng sổ trước đó vài giây.
Điều đọng lại sâu đậm nhất trong tôi về cả chuyến đi là Ai Cập nghèo, rất nghèo. Cái nghèo ăn sâu vào những khuôn mặt dãi dầu nắng gió, hằn lên những nếp gấp trên khăn cuốn đầu của người lớn ngồi chờ như vô vọng trên ghế đá những nhà ga và trên những đôi má lấm lem của trẻ con chơi đùa trong ánh đèn tù mù chỉ chiếu sáng được khoảnh đất như nắm tay trong đêm mịt mùng ở những làng quê lam lũ. Trước khi đến đây, trong đầu óc non nớt của tôi chỉ có sự trù phú của đồng bằng ven sông Nile và di sản đồ sộ của bao nền văn minh đã nở rộ trên đất nước này mà không hề chuẩn bị để thấy thực tại đau lòng của một xã hội hỗn độn đang thoi thóp trên hào quang quá khứ. Sau hàng loạt biến cố và gần nhất là cuộc Cách mạng 2011 giờ vẫn còn dấu ấn tại quảng trường Tahrir, Ai Cập chính thức bị loại khỏi danh sách những điểm đến thân thiện của khách du lịch vì những bất ổn về an ninh và chính trị, nhất là nguy cơ bị các lực lượng cực đoan tấn công khách du lịch. Với một đất nước mà cứ 6 người lại có 1 người sống dựa vào du lịch thì đây là một thảm họa. Khoảng cách giàu nghèo phân hóa đặc biệt rõ nét. Người ta thường đùa rằng ở Ai Cập không có tầng lớp trung lưu mà chỉ có một nhúm người rất giàu và toàn bộ dân nghèo còn lại. Thất nghiệp tràn lan. Bạn hướng dẫn viên ở Luxor bảo một bức tường bảo vệ cao ngang thân người ở Valley of the Kings bị kéo dài tới 10 năm để làm xong, vì nếu hoàn thành sớm hơn, những người thợ ở đây không còn biết bấu víu vào đâu để sống tiếp. Và như một cách tuyệt vọng để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo, người dân bám riết lấy khách du lịch giàu có (những người đủ tiền để đến thăm thú đất nước họ), cố gắng moi từng đồng tiền để có thể sống qua ngày. Cũng trong cái nghèo bản chất của con người hiện ra rõ nhất. Có những người ‘giữ lấy lề’, rất tốt bụng và trung thực, sống chân thành và giản dị. Nhưng phần lớn khách du lịch bị tiếp cận bởi những kẻ chỉ chăm chăm lợi dụng để kiếm chác.
Còn tôi, sau hai năm trên đất châu Âu, mua bán trong siêu thị và shopping mall, đi lại giữa những nhà ga sạch tinh bóng loáng, đã quên hẳn thói quen mặc cả và sự cảnh giác cần có khi đi đến một nơi xa lạ. Bỏ ngoài tai những lời can ngăn của bạn bè mà khăng khăng niềm tin ngây thơ vào bản chất tốt đẹp của con người, tôi trở thành miếng mồi ngon cho những cái bẫy giành cho khách du lịch. Lần đầu tiên ở Giza mất 100 bảng Anh, tôi khóc như mưa vì hết tiền mà vẫn không hay mình bị lừa vẫn còn tặng cả hộp bánh cho cái bạn lừa tôi, làm bạn ý chắc cắn rứt lương tâm lắm, mời bằng được tôi đi ăn trưa và bắt xe taxi tận nơi cho tôi về Downtown Cairo. Những lần sau này tôi cảnh giác hơn nhưng nhiều lúc vẫn tức tưởi khi bị quấy rối hay bắt nạt giữa ban ngày. Nói vậy để thấy Ai Cập đặc biệt nguy hiểm với con gái đi một mình, ít nhất là trong thời điểm này, trừ khi bạn thật là cứng rắn và sắc sảo. Vì tới 6 giờ tối, ngoài đường tuyệt đối không thấy một bóng hồng nào đi một mình ngoài một vài người lớn tuổi (và tôi!). Con gái hoặc đi theo nhóm hoặc có con trai đi kèm. Chả thế mà lúc tôi loay hoay bị lạc trong những ngõ nhỏ không đèn ở Garden City, bạn cảnh sát to cao đẹp trai chỉ nói được dăm ba câu tiếng Anh đã sợ quá mà hộ tống tôi đi hỏi người biết đường rồi đích thân dẫn về tận khách sạn. Cô phóng viên nhiếp ảnh người Ý tôi gặp ở Aswan trên chuyến xe đi thăm đền thờ của Ramses II đã lắc đầu chép miệng khi biết tôi một thân một mình. Ines đã sống ở Ai Cập được hơn năm rưỡi và do tính chất nghề nghiệp làm về xung đột sắc tộc, cô thường xuyên phải tiếp xúc với đủ hạng người trên đường phố Cairo. Những chuyện cô kể về phụ nữ bị hãm hiếp ngay trên đường phố, khách du lịch bị bắt cóc hay những khu vực một đi không trở lại ngay gần nơi tôi trọ làm tôi lạnh hết sống lưng, và từ đó cho đến khi lên máy bay, tôi thấy mình vẫn còn may mắn khi sống sót nguyên vẹn mà trở về.
Nhưng chính vào lúc tôi rời Cairo để trở về với căn phòng tin hin của mình ở Forest Gate, tiếp tục hành trình chinh chiến và yêu đương, tôi ngồi một mình trong căn phòng khách sạn nhỏ mà dường như rộng ra bởi sự trống trải, nhìn vali và balo đã đóng gói gọn gàng, và nhận ra, thế là giấc mơ này đã sắp kết thúc, tôi thật sự sẽ trở về thực tại chỉ trong vài giờ đồng hồ nữa thôi. Một nỗi buồn vô hạn bỗng dưng xâm chiếm lấy tôi. Mười hai ngày trên đất nước này, mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu và đấu tranh với biết bao sự kiện xảy ra đã thay đổi nhiều suy nghĩ trong tôi. Tôi thấy mình sống, trải nghiệm nhiều điều và tiếp xúc với nhiều người có khi hơn cả một năm ở châu Âu. Vượt trên tất cả những thất vọng và vô khối tai nạn trên đường đi, tự lúc nào đó những nụ cười rạng rỡ của trẻ con và lời chào ‘Welcome to Egypt’ của những người tôi gặp hàng ngày đã trở thành một phần thân quen. Tôi sẽ nhớ mãi lần được một em bé đèo xe đạp qua những đường phố nắng bụi ở Cairo mà tuyệt nhiên không đòi hỏi một xu, được Ahmed dẫn đi lòng vòng quanh khu Islamic và tự hào kể về đất nước của bạn. Tôi sẽ nhớ cách Mansour đã chọc cho tôi cười ở sân ga Ramses khi anh gặp tôi đứng ngẩn tò te nhìn bảng thông báo bằng tiếng Ả Rập, với niềm hi vọng mong manh rằng bằng sức mạnh tinh thần kỳ bí nào đó tôi sẽ hiểu ra nghĩa của những mật mã loằng ngoằng như giun ấy. Tôi sẽ nhớ Mohammed đã thất thần khi tôi òa khóc trong cửa hiệu của em sau một ngày dài mệt mỏi và câu chuyện về tình yêu trên đường về. Tôi sẽ nhớ anh bạn người Úc đi cùng đoàn đến Abu Simbel đã phát khùng lên khi một người bán dạo ép tôi mua đồ đến mức vô tình đẩy tôi xuống lề đường. Và trên hết, tôi sẽ nhớ đôi mắt nai của một “quả bóng bay” dễ thương đã ở bên tôi suốt những giờ gian khó.
Lúc về đến sân bay Heathrow, đến cái toilet cũng thơm phưng phức, tôi lại nghĩ về lúc nhắm mắt bịt mũi khổ sở trên toa hạng nhất đi Luxor hay Aswan. Và lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn những dãy cửa hàng đồ hiệu hào nhoáng trong khu vực miễn thuế mà tự nhiên thấy ứa nước mắt trước sự xa xỉ.
Và Ai Cập ạ, mình thực sự rất nhớ bạn.